I. NGUYÊN NHÂN VÀ PHÂN LOẠI CONG DƯƠNG VẬT BẨM SINH
Niệu đạo được hình thành từ các tế bào trung mô trong rãnh niệu dục ở phía mặt bụng của dương vật thời kỳ bào thai. Sự biệt hóa các tổ chức của dương vật phụ thuộc vào các yếu tố tăng trưởng hình thành nên niệu đạo. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngay cả khi niệu đạo của dương vật phát triển bình thường, các tổ chức phát triển từ trung mô vẫn có thể có các bất thường gây nên sự loạn sản hoặc mất độ đàn hồi của các tổ chức liên kết. Vào năm 1973, Devine và Horton đã đề xuất một hệ thống phân loại cho các trường hợp cong dương vật bẩm sinh gồm 5 loại:
- Loại I: Lỗ niệu đạo nằm ở vị trí bình thường tại đỉnh của quy đầu. Tuy nhiên, tất cả các cấu trúc bao quanh niệu đạo đều thiểu sản. Do đó lớp niêm mạc phủ quanh niệu đạo chỉ là một lớp tổ chức liên kết mỏng nằm ngay dưới da.
- Loại II: Sự loạn sản các cấu trúc có nguồn gốc từ trung mô mà sau này hình thành nên cân Buck và cân Dartos bao phủ phía dưới và hai bên niệu đạo, làm cho các tổ chức này hình thành các dải xơ và làm giảm độ đàn hồi của chúng. Chính vìvậy, dương vật bị kéo cong về mặt bụng. Trong phân loại này, niệu đạo vẫn nằm trong vật xốp phát triển bình thường.
- Loại III: Niệu đạo, vật xốp và cân Buck đều phát triển bình thường và liên kết với nhau tại mặt bụng dương vật. Tuy nhiên, trên cân Dartos có một vùng kém đàn hồi làm cho dương vật bị cong gập góc. Sự phát triển bất thường của cân dartos thường dẫn tới những dị dạng phức tạp của dương vật. Trong một số trường hợp, sự kém đàn hồi của cân Dartos có thể cản trở sự phát triển của thân dương vật.
- Loại IV: Trong loại IV, mặc dù niệu đạo, vật xốp và các tổ chức liên kết bao quanh chúng phát triển bình thường nhưng cân trắng của vật hang lại có một mặt kém phát triển hơn mặt còn lại hoặc có độ đàn hồi kém hơn. Vị trí của sự bất thường này thường ở mặt bụng của dương vật. Những người bệnh thuộc loại IV thường phát hiện cong dương vật khi ở gần độ tuổi dậy thì do sự phát triển của dương vật làm cho sự mất đối xứng này ngày càng rõ ràng hơn.
- Loại V: Phân loại thứ 5 của cong dương vật bẩm sinh còn được gọi là ngắn niệu đạo bẩm sinh. Mặc dù sự phát triển của tất cả các cấu trúc của dương vật đều bình thường, tuy nhiên khi cương cứng, niệu đạo của dương vật lại không tương xứng với các thành phần còn lại và gây nên cong dương vật ở mặt bụng. Tỷ lệ gặp loại cong dương vật bẩm sinh này khá thấp.
II. CHẨN ĐOÁN CONG DƯƠNG VẬT BẨM SINH
1. Triệu chứng cơ năng
Chẩn đoán bệnh lý cong dương vật chủ yếu dựa trên tiền sử, thăm khám lâm sàng và đo góc cong của dương vật khi cương. Các xét nghiệm thường không cần thiết và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh thường chỉ được chỉ định để phối hợp chẩn đoán.
Góc cong tại dương vật đôi khi có thể lên tới 90 độ hoặc hơn, có thể làm cho việc điều trị trở nên khó khăn.
Góc cong dương vật
2. Thăm khám lâm sàng
Đánh giá khả năng đàn hồi của mô cương vật hang bằng cách kéo giãn dương vật.
Có thể sờ thấy một hoặc nhiều mảng xơ dọc theo cân trắng của dương vật. Vị trí xuất hiện của mảng xơ thường là mặt lưng dương vật.
Góc cong của dương vật được đánh giá ở trạng thái cương tối đa. Góc cong có thể dao động từ nhẹ (15 độ) cho đến rất nặng (180 độ). Có thể thấy các dị dạng của dương vật kèm theo như khuyết góc hoặc hình đồng hồ cát.
3. Cận lâm sàng
Không có xét nghiệm máu nào đặc hiệu để chẩn đoán cong dương vật. Thông thường, việc khai thác bệnh sử chi tiết và khám lâm sàng là đủ để chẩn đoán cong dương vật.
Một số phương tiện chẩn đoán hình ảnh có thể có giá trị trong việc xác định vị trí và mức độ của cong dương vật:
- Chụp Xquang là một phương tiện đơn giản để xác định mảng xơ đã calci hóa trong mô mềm.
- Siêu âm độ phân giải cao là một phương tiện hữu hiệu trong xác định chính xác vị trí và kích thước của mảng xơ. Một thang điểm phân loại mức độ của mảng xơ vữa được chia làm 3 độ: độ I (kích thước mảng xơ < 0,3 cm), độ II (kích thước mảng xơ 0,3 - 1,5 cm) và độ III (kích thước mảng xơ > 1,5cm hoặc có nhiều hơn 2 mảng xơ > 1 cm). Những người bệnh có mức độ xơ hóa nặng (độ III) thường có chỉ định phẫu thuật.
Mảng xơ trên siêu âm
- Chụp CT thường được sử dụng để phát hiện các mảng xơ không calci hóa
- Chụp vật hang là một phương tiện chẩn đoán hình ảnh không chỉ có thể phát hiện được vị trí và kích thước của mảng xơ mà còn đánh giá được mức độ chèn ép vào mô cương của thể hang. Tuy nhiên, đây là một xét nghiêm đắt tiền và xâm lấn nên chỉ được sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt.
- MRI là một phương phát hữu hiệu, không xâm lấn có thể đánh giá được mảng xơ ngay từ những giai đoạn sớm khi mới chỉ hình thành tổ chức xơ hóa. Tuy nhiên do giá thành cao nên cũng ít được sử dụng.
Xem tiếp: Các phương pháp điều trị cong dương vật