Cộng đồng LGBTQI+ tại Việt Nam
Khái niệm LGBTQI+ thể hiện sự đa dạng về giới tính bao gồm lesbian (đồng tính nữ), gay (đồng tính nam), bisexual (song tính), transgender (chuyển giới).
Ngoài ra, Q là viết tắt của Queer/questioning để chỉ những người đang trong quá trình tìm hiểu về nhận dạng giới tính của bản thân và I viết tắt Intersex (liên giới tính) nói về người không mang tính điển hình giới nào.
Dấu + để chỉ nhiều dạng giới tính khác, thể hiện sự phong phú về giới tính như Asexual (vô tính), Pansexual (toàn tính)…
Theo ước tính, cộng đồng LGBTQI+ ở Việt Nam khoảng 1,65 triệu người, chiếm khoảng 2% dân số.
Mặc dù quan niệm về sự đa dạng giới tính đã được thừa nhận rộng rãi, cộng đồng này vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc hòa nhập xã hội và các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Áp lực từ sự kì thị
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chia sẻ rằng bình đẳng giới không chỉ là vấn đề giữa nam và nữ mà còn bao gồm cả cộng đồng LGBTQI+. Tuy nhiên, nhiều người trong cộng đồng này phải chịu áp lực từ sự kỳ thị của xã hội, thậm chí từ chính người thân, thầy cô, bạn bè và nhân viên y tế. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử này làm ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm thần của họ.
Kỳ thị có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức, từ những lời nói ác ý, hành vi bạo lực tinh thần đến những hành động loại trừ trong các môi trường như trường học, nơi làm việc và thậm chí trong gia đình. Hậu quả của sự kỳ thị này không chỉ dừng lại ở tổn thương tâm lý mà còn có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như trầm cảm, lo âu và các rối loạn tâm thần khác.
Ảnh 1. Cộng đồng LGBTQI+ chịu áp lực lớn từ sự kỳ thị của xã hội
Nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần
Theo TS. Hồ Thu Hà, khoa Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, người LGBTQI+ có nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần cao gấp ba lần so với người khác. Thanh thiếu niên LGBTQI+ có tỷ lệ tự sát, ý tưởng tự sát và hành vi tự hại cao gấp bốn lần. Đặc biệt, từ 38% đến 65% người chuyển giới có ý tưởng tự sát.
Các vấn đề tâm lý này bắt nguồn từ cảm giác khác biệt, lo âu, lòng tự trọng thấp và cảm giác tội lỗi. Sự phân biệt đối xử và định kiến trong xã hội càng làm gia tăng khả năng mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở cộng đồng này. Một yếu tố quan trọng khác là thiếu sự hỗ trợ tâm lý và dịch vụ y tế phù hợp, khiến họ cảm thấy bị cô lập và không được thấu hiểu
Hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng LGBTQI+
Mỗi tháng, khoa Nam học và Y học giới tính tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận nhiều trường hợp thuộc cộng đồng LGBTQI+ được người thân đưa đến khám và tư vấn. Tuy nhiên, đa phần họ đã đến nhiều cơ sở y tế khác nhau mà chưa được chăm sóc và tư vấn thỏa đáng.
ThS.BS Phạm Minh Quân, khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhấn mạnh rằng cộng đồng LGBTQI+ cần được tiếp cận và tư vấn một cách chuyên sâu và phù hợp. Đặc biệt, người chuyển giới cần được đánh giá tâm lý trước khi quyết định sử dụng các phương pháp can thiệp y tế và cần có sự hỗ trợ để hòa nhập cộng đồng sau khi can thiệp.
Hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng LGBTQI+ bao gồm:
Bước 1 (Đánh giá tâm lý ban đầu): Trước khi tiến hành bất kỳ can thiệp y tế nào, người chuyển giới cần được đánh giá tâm lý để đảm bảo họ đã sẵn sàng và hiểu rõ các bước tiếp theo.
Bước 2 (Can thiệp y tế): Các phương pháp can thiệp như hormone hay phẫu thuật cần được thực hiện bởi các chuyên gia y tế có kinh nghiệm.
Bước 3 (Hỗ trợ sau can thiệp): Sau khi can thiệp, người chuyển giới cần được hỗ trợ để hòa nhập vào cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ bị kỳ thị và giúp họ xây dựng một cuộc sống ổn định.
Ảnh 2. Hội thảo thành công tốt đẹp với sự góp mặt của gần 50 chuyên gia, bác sĩ trong nước và quốc tế
Tham khảo thêm: Báo Sức khỏe & Đời sống