I. RỐI LOẠN CƯƠNG DƯƠNG LÀ GÌ ?
Rối loạn cương dương (Erectile dysfunction - ED) hay còn gọi là rối loạn cương (RLC) là cụm từ được Hội Nam học thế giới dùng để thay thế cho các từ bất lực, liệt dương, hay thiểu năng sinh dục nam giới từ năm 1997. Thuật ngữ “Rối loạn cương” rất rộng, bao quát nhiều dạng rối loạn bệnh lý khác nhau nhưng thường được dùng để chỉ tình trạng mất khả năng cương cứng của dương vật để có một cuộc ân ái trọn vẹn. RLC tác động lên chất lượng cuộc sống của nhiều nam giới tuổi trung niên và bạn tình của họ ở nhiều chừng mực khác nhau.
RLC là một bệnh mang tính xã hội, bệnh tuy không gây tử vong, cũng không cần phải xử trí cấp cứu, nhưng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống tinh thần con người. Bệnh có thể gây tình trạng trầm cảm và là nguồn gốc của nhiều chứng bệnh khác về thần kinh, tâm thần như suy nhược thần kinh, trạng thái sầu uất thậm chí cả trạng thái tâm thần phân liệt, nhiều bi kịch gia đình đã xảy ra.
Số người mắc bệnh RLC chiếm tỉ lệ ngày càng cao. Theo viện sức khỏe quốc gia Mỹ tổng kết: RLC đã ảnh hưởng tới 30 triệu nam giới tại Mỹ, Tây Âu 17,5 triệu, khu vực Thái Bình Dương 10,7 triệu. Tỷ lệ mắc bệnh trên những người đàn ông từ 21 tuổi đến ngoài 70 tuổi: Mỹ 18%, Châu Âu 17%, Châu Á 14%, vùng Đông Nam Á 10%, Trung Quốc 28%, Việt Nam 15,7%.
Có nhiều phương pháp điêu trị rối loạn cương dương đã được khuyến cáo như tư vấn tâm lý và thay đổi lối sống, dùng các thủ thuật, sóng xung kích, dùng thuốc ức chế PDE5, và cấy ghép thể hang nhân tạo. Trong đó sự ra đời của thể hang nhân tạo được coi là một trong các thành tựu mang tính đột phá trong điều trị rối loạn cương dương.
Rối loạn cương là bệnh mang tính xã hội
II. CẤY GHÉP THỂ HANG NHÂN TẠO TRONG ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN CƯƠNG
3.1 Chỉ định
Cấy ghép thể hang nhân tạo là phẫu thuật đặt một dụng cụ hỗ trợ cương vào thể hang làm phá hủy hoàn toàn hệ thống mạch máu trong thể hang, làm mất hoàn toàn cơ chế cương tự nhiên để tạo ra một sự cương cứng nhân tạo. Cho nên chỉ định phẫu thuật thường ở giai đoạn cuối cùng khi không có biện pháp điều trị hiệu quả, được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Sau thất bại với các phương pháp điều trị khác: nội khoa, thủ thuật, phẫu thuật đều không có kết quả (Vasculogenic ED, Psychogenic ED).
- Bị xơ hoá thể hang:
-
- Sau cương đau dương vật (Priapism) hoặc gãy dương vật điều trị không đúng.
- Sau xơ hóa do nhiễm trùng
- Xơ hóa do phẫu thuật trước đó
- Bệnh Peyronie làm xơ cứng và biến dạng thể hang
- Làm lớn dương vật (Penis enlargement)
- Các trường hợp xơ vữa động mạch lan toả.
- Nguyện vọng của bệnh nhân (không muốn điều trị thay thế: thuốc, tiêm thể hang…)
Theo Hướng dẫn điều trị của Hiệp hội niệu khoa Âu Châu 2022, có thể được xem xét ở 2 nhóm đối tượng sau:
- Những bệnh nhân không phù hợp với các liệu pháp điều trị nội khoa hoặc những bệnh nhân mong muốn một biện pháp điều trị tuyệt đối
- Những bệnh nhân không đáp ứng với các liệu pháp điều trị nội khoa
Theo Hướng dẫn điều trị rối loạn cương của Hiệp hội niệu khoa Hoa Kỳ (AUA) năm 2018, các tác giả cũng nhấn mạnh rằng nam giới có quyền chọn lựa điều trị tình trạng RLC của họ bằng bất kỳ biện pháp nào, bất chấp mức độ xâm lấn hay khả năng đảo ngược của biện pháp đó.
3.2. Chống chỉ định
- Đang có tình trạng nhiễm trùng tại chỗ hoặc toàn thân.
- Đang có tình trạng bất thường ở đường tiết niệu dưới.
- Tình trạng bệnh lý mạn tính chưa kiểm soát ổn định.
- Toàn trạng không đáp ứng cho phẫu thuật: suy kiệt, bệnh lý rối loạn tâm thần.
Xem thêm:
Phần 2: Các loại thể hang nhân tạo